Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Mẹ có một chế độ ăn lành mạnh và cân bằng rất quan trọng giai đoạn mang thai và cho con bú. Việc kết hợp bú sữa mẹ và bú sữa bình trong những tuần đầu đời của bé có thể làm giảm khả năng tiết sữa mẹ và ảnh hưởng đến việc cho bé bú sữa mẹ sau đó. Vui lòng tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc nhân viên y tế để đưa ra lựa chọn phù hợp về việc cho trẻ bú sữa và chế độ ăn uống.

Tại sao giờ vui chơi lại là khung giờ vàng giúp bé yêu phát triển

Theo kết quả nghiên cứu, trong hai thập niên vừa qua, trẻ em đã đánh mất trung bình 8 giờ đồng hồ mỗi tuần được vui chơi tự do lành mạnh. Một cuộc Khảo Sát Lòng Tin Toàn Quốc ở Anh đã công bố kết quả: thời gian được vui chơi, chạy nhảy ngoài trời của trẻ em hiện nay chỉ còn bằng phân nửa so với thế hệ trước - thời mà cha mẹ các bé bây giờ còn là thiếu nhi. Hai chỉ số thống kê, cùng một lý do: trẻ em bây giờ theo đuổi chuyện học hành quá nhiều, bọn trẻ lại thường xuyên dán mắt vào các thiết bị công nghệ. Giới nghiên cứu nhận định: đây là hai tác nhân gây ra khuynh hướng thụ động, thích ngồi ì một chỗ của trẻ em thời nay. Ngày xưa, phần lớn trẻ em đều có thì giờ vui chơi tự do thực sự, không bị bó buộc vào các thiết bị công nghệ, nhưng thì giờ vàng ngọc ấy giờ đây là một thứ gì đó xa xỉ. Muốn trẻ có thì giờ ra ngoài vui chơi lành mạnh như vậy, cha mẹ phải sắp xếp, lên kế hoạch đủ thứ may ra mới làm được.

Khoa học đã chứng minh: các trò chơi tự do lành mạnh thời niên thiếu có tác dụng thúc đẩy sự phát triển kỹ năng ngôn ngữ, óc sáng tạo, sức khỏe cảm xúc, cũng như thể chất. Rõ ràng là có một sợi dây liên đới chặt chẽ giữa trò chơi lành mạnh với các chức năng nhận thức não bộ. Các chuyên gia kiến nghị rằng trẻ em nên được thụ hưởng tối thiểu ba giờ mỗi ngày tham gia vào các trò chơi lành mạnh tự do, tức là các trò chơi không bó buộc trong khuôn khổ cứng nhắc. Tại sao phải đưa các trò chơi như thế vào hoạt động thường nhật của trẻ, và làm thế nào có thể hiện thực hóa mục tiêu này?

Dạy cho trẻ giá trị của lòng tin với trò “ú à”

Một trò chơi kinh điển rất đơn giản, đó là trò “ú à.” Các bé còn nhỏ thích chơi trò này vô cùng, có thể chơi hàng giờ không biết chán. Đây là một cách rất hay để giúp cho bé sẵn sàng tâm lý cho những lần cha mẹ vắng nhà, cho sự “xa cách an toàn.” Lúc còn bé tí, trẻ rất hay sốt ruột và quấy khóc khi xa cha mẹ dù chỉ trong chốc lát. Trong trò chơi “Ú à,” cha mẹ giả vờ biến mất trong một lúc, rồi gần như lập tức xuất hện trở lại, cha mẹ và bé lại vui cười hạnh phúc khi được “gặp” nhau trở lại. Qua trò chơi này, bé yêu sẽ học được giá trị của lòng tin và tình cảm gia đình khăng khít. Trò chơi này là một bước chuẩn bị cần thiết để sau này khi cha mẹ có việc gì phải đi đâu đó lâu hơn, trẻ sẽ không sợ hãi.

Trò chơi này dường như vẫn là một cái gì đó bí hiểm và thú vị với các bé nhỏ, nhưng khi trẻ lên một tuổi, trẻ đủ khôn để “biết tỏng” thủ thuật của trò này. Đây là điều tốt, vì trẻ đã phát triển được nhận thức hằng định đối tượng (object permanence) - nghĩa là trẻ hiểu các đối tượng, con người, hay vật thể vẫn tồn tại ở đó dù ta tạm thời không thấy, không ngửi được mùi, hay không chạm được đối tượng. Nhưng không vì vậy mà trò này mất vui, chỉ cần cha mẹ biến tấu trò chơi một chút cho thêm phần bất ngờ. Ví dụ: ba biến mất sau tấm khăn, mẹ bất ngờ xuất hiện trở lại.

Phát triển kỹ năng vận động bằng trò rối tay

Khả năng phối hợp giữa mắt và tai, sự nhập vai đồng cảm, kỹ năng vận động, kỹ năng hợp tác đội nhóm, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, huấn luyện trí nhớ. Còn kỹ năng hay lợi ích nào nữa mà trò rối tay không có nhỉ? Cha mẹ có thể lồng âm thanh vào để hỗ trợ yếu tố tăng trưởng thần kinh. Các nghiên cứu đã chứng minh: tiểu não có vai trò quan trọng trong việc điều phối khả năng vận động và chức năng nhận thức não bộ. Tiểu não của ca sĩ, nhạc sĩ lớn hơn của người thường 5%. Vậy cha mẹ còn chờ gì nữa, đưa âm thanh, giai điệu vào các bài múa rối NGAY nhé.

Với những màn rối tay phức tạp, hoặc những trò chơi khó hơn, cha mẹ cần phải hướng dẫn trẻ. Chơi cũng là một kỹ năng, cho nên với các bé chưa chơi thạo, hãy bắt đầu trò rối tay bằng cách tạo ra các bối cảnh rối tay thật là thân thuộc với bé. Hãy sử dụng các nhân vật mà trẻ đã quen để gia tăng khả năng nhận biết, hiểu nội dung, và sự theo dõi mê mải của trẻ. Khi trẻ đã quen rồi, cha mẹ mới đưa trẻ vào những câu chuyện khó hơn, đòi hỏi trí tưởng tượng nhiều hơn.

children-strawberries-outdoors

Tăng cường sức mạnh cơ bắp và não bộ với trò nắn đất sét

Đất sét hay bột nặn có kết cấu mềm dẻo, rất kích thích xúc giác. Trò nắn đất sét hay nắn bột rất vui, không chỉ trẻ em mà người lớn cũng thích lắm. Trong quá trình chơi, trẻ được lăn đất sét, tạo hình thù đối tượng, nắn tỉ mỉ các chi tiết, qua đó các cơ bắp của trẻ sẽ mạnh lên, nhất là phần cơ ở bàn tay và ngón tay, đồng thời phát triển các kỹ năng vận động tinh mà trẻ sẽ cần đến trong tương lai để cầm bút chì hay thắt dây giày.

Trò chơi nắn đất sét còn mang lại nhiều ích lợi về sự phát triển nhận thức não bộ. Khi chơi trò này, trẻ sẽ học được kỹ năng hoàn thành nhiệm vụ được đề ra, thuật ngữ nhi khoa gọi là chức năng điều hành. Sự phát triển chức năng điều hành ở trẻ nhỏ tùy thuộc vào ba loại chức năng quan trọng trong não bộ:

Trí nhớ ngắn hạn - khả năng nắm bắt thông tin và giữ lại trong não

Kiểm soát ức chế - khả năng sắp xếp ưu tiên đúng đắn và tiết chế hành động, không làm theo bản năng bột phát mà có tính toán trước sau rõ ràng

Nhận thức linh hoạt - khả năng điều chỉnh kế hoạch khi xuất hiện một hoàn cảnh hay tình huống mới

Trò nắn đất sét giúp trẻ phát huy và khám phá cả ba chức năng não bộ quan trọng này - ngay từ lần đầu tiên trẻ được chơi.

Mẹ không có đất sét đồ chơi cho trẻ? Không sao đâu. Bọn nhỏ có thể chơi trò nắn bánh bùn ở sân sau, hoặc chơi trò xây lâu đài cát ngoài bãi biển, tất cảc trò này đều giúp trẻ phát triển khả năng nhận thức não bộ rất tốt.

Giấu đồ chơi, giúp trẻ mạnh mẽ hơn

Trò “giấu đồ chơi” có công dụng giúp trẻ mạnh mẽ hơn về mặt cảm xúc và kỹ năng xã hội. Về cơ bản, các phiên bản trò chơi “trốn tìm” (ở tuổi của bé thì mẹ có thể chơi trò tìm thú bông bị giấu) dạy cho trẻ nhỏ đức tính kiên nhẫn, bản lĩnh và cả kỹ năng quản trị cảm xúc khó chịu, bực bội nữa (cái này thì tùy dạng tính khí của từng bé).

Mẹ có thể đổi vai trò bằng cách cho bé đi trốn, mẹ sẽ tìm bé. Trò này sẽ khiến cho bé mạnh mẽ hơn, rèn cho bé tính chủ động và quyết đoán. Qua trò chơi này, bé cũng sẽ có cơ hội khám phá ý thức độc lập của riêng mình. Khi trẻ được chỉ dẫn một cách dịu dàng, thay vì bị ra lệnh và bắt phải làm theo ý người lớn, trẻ sẽ có cơ hội phát triển sự tự tin và các tố chất lãnh đạo, vì trẻ được quyền theo đuổi ý tưởng của riêng mình.

Khích lệ trẻ phát huy kỹ năng khám phá thế giới thông qua các “hoạt động trải nghiệm thực tế”

Theo kết quả nghiên cứu, người nào có óc tò mò và ham thích khám phá sẽ có nhiều cơ hội phát triển kỹ năng tư duy phản biện hơn so với người không thích tìm tòi. Các trò chơi ngoài trời giúp trẻ phát huy mọi khả năng học hỏi, tìm tòi, thậm chí kỹ năng giải các bài toán nữa đấy.

Còn chỗ nào lý tưởng cho bằng không gian thoáng đãng ngoài kia để trẻ được mặc sức tìm tòi, khám phá? Sân chơi thiên nhiên luôn mang đến cho ta vô vàn cơ hội để nếm trải những cảm giác tươi mới lạ lùng. Cảm giác được đạp lên đám lá khô kêu lạo xạo, cảm giác đi từng bước trên mặt đất đầy bùn trơn trợt, hay cảm giác mân mê bề mặt vỏ sần sùi kỳ lạ của một thân cây… tất cả sẽ rèn cho trẻ tính mạnh dạn, sẵn sàng thử nghiệm một điều lạ lẫm chưa quen. Đây là những hoạt động rất hay vì chúng khiến trẻ phải suy tư để tìm ra cách tiếp cận đúng đắn với những tình huống hoặc hoàn cảnh không quen thuộc.

Mời mẹ đọc thêm bài viết này để tìm hiểu về các lợi ích của việc cho trẻ ra ngoài trời vui chơi.

 

Những bài viết liên quan

Alt image

Thắc mắc về dinh dưỡng cho bé?

Chúng tôi luôn sẵn sàng để tư vấn và giải đáp những thắc mắc của mẹ về vấn đề chăm sóc và dinh dưỡng cho bé.

x